Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi). Thực hiện Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 17/02/2023 của UBND huyện Gia Lộc về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND xã Gia Lương đã ban hành kế hoạch số: 14/KH-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2023 về Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo các nội dung của kế hoạch đã ban hành, UBND xã chủ trì, phối hợp cùng UBMT tổ quốc xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo luật đất đai sửa đổi vào chiều ngày 03/3/2023 tại Hội trường UBND xã Gia Lương.
Để tổ chức hội nghị lấy ý kiến kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hiệu quả, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ và chỉ đạo cho từng ngành, từng cán bộ, công chức phụ trách các mảng việc liên quan. Đài truyền thanh xã tăng cường thời lượng tuyên truyền về Dự thảo luật đất đai sửa đổi - những vấn đề trọng tâm, tuyên truyền sâu kĩ kế hoạch của UBND huyện Gia Lộc, kế hoạch của UBND xã Gia Lương về Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt truyên truyền về thời gian, địa điểm diễn ra hội nghị để đông đảo các đồng chí cán bộ, Đảng viên và các tâng lớp nhân dân nắm được.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý và thảo luận sôi nổi. Kết thúc hội nghị, qua tổng hợp các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 05 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cụ thể như sau:
Thứ nhất: Điều 89 quy định về Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất:
Theo khoản 2, điều 89 quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
*Ý kiến tham gia:
Nên quy định theo hướng bỏ cụm từ: “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vì cụm từ này rất khó xác định và thực hiện trên thực tế, như thế nào là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ - đây là cụm từ khó định lượng dẫn đến cách áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.
Thứ hai: Điều 128 quy định Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất
“1. Các trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất, bao gồm:
a) Thỏa thuận về quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thỏa thuận về quyền sử dụng đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn;
b) Thỏa thuận về quyền sử dụng đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn;
c) Thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn.
2. Các điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 77, khoản 1 Điều 78 của Luật này;
b) Chủ đầu tư đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
3. Việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất quy định tại Điều này được thực hiện như sau:
a) Thực hiện thỏa thuận theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, cho thuê lại quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quy hoạch phân khu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với khu đất thuộc địa bàn đơn vị hành chính không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
b) Lập dự án có sử dụng đất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan;
c) Đưa quỹ đất thực hiện dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện;
d) Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này. Khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tính theo giá đất cụ thể được quy định tại Luật này.
4. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này.”
* Ý kiến tham gia:
- Nên thống nhất một mức giá đền bù chung khi nhà nước thu hồi để tạo sự công bằng cho người dân và để rễ thực hiện, tránh tình trạng áp dụng không thống nhất đối với những trường hợp tương tự trong cùng địa phương mà giá đền bù lại chênh lệch nhau.
- Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung việc trả tiền đền bù, hỗ trợ nhân dân theo quy định của pháp luật; không nên quy định để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân vì phương thức này khó đạt được thương lượng trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên dẫn đến chậm tiến độ thu hồi đất do nếu hai bên không thỏa thuận được mức giá bồi thường thì bên chủ đầu tư dự án không có quyền thu hồi đất của người dân. Mặt khác vì không quy định mức giá chung dẫn đến các chủ đầu tư lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhân dân đưa ra những mức giá thấp và không thống nhất với những trường hợp tương tự về diện tích hay loại đất được thu hồi.
Thứ ba: Điều 143. Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Theo khoản 7, điều 143 quy định: “ Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận do Cơ quan đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
*Ý kiến tham gia:
Hiện nay đa số hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có sự thay đổi về ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích của thửa đất do trước đây khi cấp giấy chứng nhận là được đo đạc và tính toán thủ công. Nay người dân có nhu cầu đăng ký biến động lại gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất theo khoản 7, Điều 143 Luật đất đai khi quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận do cơ quan đăng ký đất đai thực hiện thay vì trước đây giao quyền cho UBND cấp huyện.
Thứ 4: Điều 140 Luật đất đai quy định thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất.
Theo khoản 2, điều 140 quy định: “ Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.
Nhưng theo khoản 7 Điều 143 Luật đất đai thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lại do cơ quan đăng ký đất đai thực hiện do vây khi người dân đi thực hiện những quyền của người sử dụng đất như: Chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, cấp đổi… gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, thời gian thực hiện TTHC mất thời gian hơn.
* Ý kiến tham gia:
Đề nghị bỏ khoản 7 điều 143, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nên giao cho UBND cấp huyện cấp để người dân thực hiện những quyền sử dụng đất của mình được thuận lợi như trước đây.
Thứ 5: Theo khoản 5, Điều 192 quy định:“Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.
* Ý kiến tham gia:
Nên thay cụm từ “ khuyến khích” bằng cụm từ “ yêu cầu” các địa phương dành quỹ đất…” để đảm bảo tính bắt buộc thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến nội dung này đối với mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo...
Đất đai là tài sản có giá trị lớn, đây cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng được dư luận xã hội quan tâm. Việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo luật đất đai sửa đổi có ý nghĩa cô cùng quan trọng đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ pháp luật về đất đai.
Tài liệu TK: Toàn văn dự thảo luật đất đai sửa đổi
Ánh Tuyết