TIN TỔNG HỢP KHÁC
Bài tuyên truyền tiêm phòng phòng chống bệnh dại ở chó mèo năm 2023.
10/05/2023 04:05:55

 Những ngày gần đây, thời tiết chuyển mùa làm suy giảm khả năng phòng chống bệnh tật của người và vật, tạo điều kiện thuận lợi bùng phát bệnh dại ở chó mèo. Căn bệnh nguy hiểm này lây sang người do bị chó mèo mắc dại cắn. Khi bị chó mèo mắc dại cắn, virus dại nhiễm vào người sẽ không có thuốc đặc trị và tử vong là điều khó tránh khỏi. Dại là loại bệnh do súc vật truyền gây tử vong cho người đứng hàng đầu thế giới, khoảng 50.000 người tử vong/năm. Tuy nhiên số liệu này còn được chưa thống kê đầy đủ.

Nguồn bệnh:

- Từ động vật: chó, mèo, chuột, cáo... bị nhiễm virus dại truyền sang người.

- Ở Việt Nam nguồn bệnh dại chủ yếu là chó, mèo.

Triệu chứng dại ở chó, mèo:

- Hung dữ khác thường.

- Nước dãi nhiều.

- Giọng sủa khàn.

- Liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết.

- Triệu chứng dại của mèo giống của chó nhưng mèo dại thích lánh vào chỗ tối và rất nguy hiểm.

Biện pháp phòng chống bệnh dại:

1. Hạn chế nuôi chó

2. Tiêm phòng dại cho chó

3. Chó nuôi phải xích, nhốt

4. Chó ra đường phải có rọ mõm

5. Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ

6. Không nên điều trị thuốc nam khi bị chó, mèo dại cắn.

Cách xử lý khi bị chó dại cắn:

Ngay sau khi bị chó mèo nghi dại cắn, cần:

- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn

- Nếu phải cắt lọc vết thương chỉ được khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày

- Đến ngay cơ sở y tế

- Tiêm vaccin phòng dại và kháng dại sớm

- Theo dõi con vật đã cắn người

Lưu ý:

Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, hoặc bị cắn nhiều vết sẽ rất nguy hiểm.

Nguồn bệnh từ chó, mèo:

Theo các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền virus dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Ở nước ta, chó nhà là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), tiếp đến là mèo.

Bệnh dại ở chó thường có hai thể điển hình đó là thể điên cuồng và thể bại liệt. Thể điên cuồng của chó dại dễ nhận biết, trong khi đó thể bại liệt có thể nhầm lẫn với một vài bệnh khác. Triệu chứng của thể bại liệt như sau: con vật buồn rầu, ủ rũ, liệt ở một bộ phận hay nửa người. Thông thường là liệt cơ hàm làm cho mõm luôn mở, hàm dưới trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do. Con vật không cắn được, cũng không sủa được, vì vậy còn gọi là gọi là thể câm. Bệnh tiến triển từ 2 - 7 ngày, thường là 2 - 3 ngày, sau đó con vật chết. Ngoài hai thể nói trên, đôi khi còn gặp thể ruột. Triệu chứng chính của thể ruột là chó nôn mửa, đau bụng, có dấu hiệu viêm dạ dày - ruột. Con vật không có biểu hiện hung dữ hay bại liệt, sau 2 - 3 ngày thì chết.

Mèo bị dại ít hơn chó vì so với chó, mèo ít tiếp xúc với đồng loại hơn. Nói chung bệnh dại ở mèo cũng tiến triển tương tự như ở chó.

Đã lên cơn dại là tử vong:

Nếu đúng bị chó mèo dại cắn, người bệnh không được tiêm vacxin dại sẽ bị bệnh dại và có diễn biến bệnh theo 2 thời kỳ là ủ bệnh, phát bệnh. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 - 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 - 4 ngày. Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn...

Hằng năm tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó nuôi ở xã ta chưa cao trong khi đó nhiều người bị chó mèo cắn nhưng thường chủ quan, không theo dõi tình trạng con vật đã cắn mình, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Điều này có thể gây ra những hệ lụy khôn lường. Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 4 ca tử vong trên người do bệnh dại tại 3 tỉnh: Lào Cai (1ca), Quảng Ninh 1 ca, Gia Lao 2 ca. Đồng thười báo cáo cập nhật tình hình từ các địa phương cho thấy, cả nước đã phát hiện 39 ca bệnh dại động vật tại 13 tỉnh.

Đặc biệt, thời gian gần đây, trong khi số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỉ lệ 56%.

Nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao do bước vào mùa nắng nóng.

Theo Cục Thú y, để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt
các biện pháp phòng bệnh dại theo quy định.

Ngành thú y cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 881.000 liều vắc xin dại trên động vật; đang bảo quản tại kho của các doanh nghiệp 4,3 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu quý 2 là 2,5 triệu liều.
Hiện chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.
Người dân không được chủ quan; chó, mèo nuôi nhất thiết phải được tiêm phòng dại định kỳ đầy đủ theo khuyến cáo.

Người bị súc vật nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại ngay

Những trường hợp bị chó, mèo cắn nhưng chỉ cần theo dõi con vật đã cắn người:

- Vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở chân). Tại thời điểm cắn người, con vật vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại. Tại khu vực nơi bị con vật cắn, không phát hiện có bệnh dại ở súc vật.

- Nếu sau 15 ngày kể từ khi con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.

Tiêm phòng Vacxin dại là biện pháp phòng bệnh quan trọng:

         Hiện nay biện pháp tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với bệnh dại. Tiêm phòng dại cho chó mèo nhiều năm sẽ tạo nên vành đai miễn dịch an toàn và khép kín, phòng tránh cho con người tránh xa bệnh dại, một căn bệnh cực kì nguy hiểm.

         Đối tượng tiêm phòng bệnh dại là những con chó mèo khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên, tiêm 1ml cho 1 con chó, mèo. Thời gian tiêm nhắc lại mỗi năm 1lần, chỉ tiêm cho những con chó mèo khỏe mạnh tuyệt đối không tiêm chó, mèo bỏ ăn bị ốm để tiêm phòng, chỉ tiêm phòng sau khi con vật khỏi ốm 1 tuần. Đặc biệt không tiêm vắc xin phòng dại cho gia súc có triệu chứng dại, nghi dại, hoặc đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh, các trường hợp này đều phải tiêu hủy theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

         Chó mèo sau khi được tiêm phòng phải được nhốt lại để theo dõi và chăm sóc từ 10 đến 15 ngày, không được thả rông nếu cắn người sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Chó mèo được tiêm phòng vắc xin sau 21 ngày sẽ có miễn dịch, miễn dịch kéo dài 1 năm.

         Nhu cầu nuôi chó của nhân dân càng tăng thì hiểm họa bệnh dại càng lớn, để đảm bảo tính mạng của nhân dân mọi người cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống bệnh dại tại điều 7, nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi của chính phủ về phòng chống bệnh dại động vật trên cạn . Đặc biệt các hộ chăn nuôi chó mèo phải thực hiện “ 4 không”:

- Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại

- Không thả rông chó, mèo, chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không để chó cắn người, không đùa nghịch với chó, mèo.

- Không nuôi chó mèo gây ô nhiễm môi trường

Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo và chủ động phòng chống bệnh dại ở động vật và ở người trên địa bàn xã. Đảng ủy - UBND xãGia Lương đã chỉ đạo ban thú y xã phối hợp với các đồng chí trưởng thôn tổ chức thực hiện tiêm phòng dại cho chó, mèo Đảm bảo 100% chó, mèo được tiêm phòng dại. Hộ nuôi chó, mèo đăng kí tiêm phòng dại với nhân viên thú y ở các thôn :

-    Thôn Thành Lập: đăng kí với ông Nguyễn Văn Trầm

-    Thôn Đồng Tâm : đăng kí với ông Nguyễn Văn Quảng

-    Thôn Cộng Hòa: đăng kí với ông Trần Văn Đỗ

-    Thôn Xuân Trình: đăng kí với ông Nguyễn Văn Khiêm

-    Thôn Lũy Dương : đăng kí với ông Đặng Quốc Thai

   -          Thời gian đăng kí từ ngày 11/5 đến hết ngày 17/5 năm 2023 để ban thú y xã tổng hợp danh sách tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch.

-                Phí tiêm phòng vắc xin dại là 25.000 ngàn đồng /con.

  Ban thú y xã đề nghị các hộ nuôi chó, mèo tới nhà nhân viên thúy các thôn để đăng kí tiêm phòng đúng thời gian quy định, nếu hộ nuôi nào không thực hiện tiêm phòng sau này khi xảy ra bệnh dại ,hộ gia đình đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Vì tính chất nguy hiểm của bệnh dại như trên, vì an toàn tính mạng và hạnh phúc của mọi người, mọi nhà cũng như của chính mình, hãy triệt để tiêm phòng dại cho đàn chó mèo là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh dại cho người. Đảng bộ và nhân dân xã Gia Lương nêu cao khẩu hiệu và cùng chung tay thực hiện “5 không”: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi chó, mèo khi không tiêm phòng vắc xin; Không nuôi chó thả rông; Không để chó, mèo cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Tài liệu tham khảo:

https://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/nhieu-dia-phuong-co-nguy-co-bung-phat-benh-dai-229062

https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/ti-le-nguoi-dan-tiem-vaccine-phong-dai-tang-tai-nhieu-he-thong-tiem-chung.

Hình ảnh: Nguồn Internet

Ánh Tuyết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ GIA LƯƠNG - HUYỆN GIA LỘC

Trưởng Ban Biên tập:  Ông Phạm Văn Tải - Phó chủ tịch UBND xã.

Địa chỉ: Thôn Xuân Trình - xã Gia Lương - huyện Gia Lộc - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 02203716380

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0