Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đất nước ta nói chung, xã Gia Lương chúng ta nói riêng, nhân dân ta phải sống dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, một cổ hai chòng sưu thuế nặng nề, nạn đói thì liên tiếp xảy ra triều đình nhà Nguyễn và bọn thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị chuyên chế, hà khắc, bóc lột thậm tệ làm cho nhân dân ta vô cùng lầm than cực khổ.
Năm 1883 thực dân Pháp chiếm được tỉnh Hải Dương, chúng áp dụng các chính sách phản động, áp bức bóc lột nhân dân ta về chính trị, kinh tế, nô dịch, đầu độc về văn hoá xã hội từ đó đã nảy sinh mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến, giữa nhân dân lao động và thực dân Pháp xâm lược ngày càng trở lên gay gắt, chính vì vậy phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta nói chung, Gia Lương ta nói riêng đã liên tiếp nổ ra.
Đầu năm 1945, Ban cán sự Việt Minh huyện Gia Lộc được thành lập đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 19/8/1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở huyện và cơ sở là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường bền bỉ, là bước phát triển tất yếu của phong trào cách mạng sục sôi ở huyện nói chung, xã nhà nói riêng, lúc này công tác phát triển Đảng được coi trọng là nhiệm vụ hàng đầu dưới sự lãnh đạo của huyện Đảng bộ, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập vào ngày 20/8/1946 lúc đó đồng chí Nguyễn Ngọc Chiểu là Bí thư chi bộ đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ xã Gia Lương ngày nay.
Vừa mới ra đời, chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thách thức, nạn đói chưa được chấm dứt, nạn lũ lụt đang hoành hành, sản xuất nông nghiệp thì thất bát, kinh tế thì không có, di sản văn hoá thực dân, tệ nạn xã hội còn nặng nề, quân Tưởng tràn vào với danh nghĩa là đồng minh chống Nhật nhưng thực chất lại là tay sai của đế quốc thực dân, thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng cộng sản, phá tan Việt Minh đạp đổ chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân; để bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng vừa mới giành được, chi bộ Đảng xã Gia Lương đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết, vận dụng sáng tạo các chủ trương đường lối của Đảng, tranh thủ thời gian tích cực củng cố xây dựng lực lượng mọi mặt tiến hành các nhiệm vụ cấp bách giữ vững chính quyền trong mọi tình huống.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến, chi bộ Đảng đã bồi dưỡng chính trị và xét kết nạp được 12 đồng chí vào Đảng, như vậy lúc này, vào đầu năm 1947 chi bộ có gần 20 đồng chí đảng viên, từ đó các thôn trong toàn xã đều có đảng viên, có sự lãnh đạo của Đảng xuống tới từng thôn trong xã. Để hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ kháng chiến năm 1947 toàn xã đã ủng hộ được hàng trục tấn thóc, hàng trăm ngàn đồng, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ mới vào ngày 15/8/1947 Đại hội chi bộ xã Dương Tân lần thứ nhất được tiến hành, Đại hội chi bộ có 22 đồng chí Đảng viên, trong đó có 17 đồng chí là đảng viên chính thức, 5 đồng chí là đảng viên dự bị, Đại hội tổ chức tại gác 2 nhà ông Nguyễn Văn Bậu thôn Cộng Hoà. Để thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác phát triển Đảng, chi bộ đã không ngừng chăm no giáo dục đảng viên làm cho chi bộ ngày càng lớn mạnh, chi bộ đã phát triển được hàng trục đảng viên, từ gần 20 đồng chí đảng viên vào đầu năm 1947 đến cuối năm 1947 tăng lên tổng số đảng viên là 41 đồng chí, lúc này sự lãnh đạo của Đảng có đủ điều kiện bám sát quần chúng nhân dân thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng cấp trên giao cho, luôn coi trọng việc tăng gia sản xuất, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ và chi viện cho chiến trường, trong suốt cuộc chiến tranh, Đảng bộ xã Gia Lương đã có nhiều thành tích đáng kể đóng góp sức người, sức của cho đất nước góp phần làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt thời kỳ chống mỹ, đế quốc Mỹ tiến hành nhiều hình thức, nhất là chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở Miền Bắc hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, cùng với cả nước Đảng bộ và nhân dân Gia Lương đã nêu cao ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là phải chiến đấu giỏi, sản xuất hăng để cùng với nhân dân cả nước quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ này Gia Lương có tổng số 14 đợt giao quân với số lượng là 450 người, có năm giao quân tới 3 lần, năm nào xã cũng hoàn thành chỉ tiêu trên giao, ngoài ra còn có 73 anh, chị em TN xung phong đi mở đường phục vụ cho chiến đấu, với số người tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần bằng 15% tổng dân số của cả xã lúc đó với phong trào động viên chồng, con lên đường đã có nhiều tấm gương sáng tiêu biểu, nhiều gia đình có 2 con hoặc cả chồng và con cùng tình nguyện lên đường và đều hy sinh.
Đến nay toàn xã có 176 liệt sĩ; 15 mẹ Việt Nam anh hùng; 02 mẹ còn sống; 69 thương binh; có 1 người bị địch bắt tù đày; người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 19 người và có 10 người là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học; có nhiều gia đình có 4 người con, 3 người con, 2 người con tình nguyện đi chiến đấu trên khắp chiến trường, có nhiều đồng chí được tặng thưởng huân, huy chương và dũng sỹ diệt Mỹ. Ngoài việc tòng quân, Gia Lương còn điều người, vật liệu trực tiếp làm 11 gian nhà cho trại thương binh 155 và 30 lao động cùng vật liệu của xã cất dựng hoàn chỉnh một dẫy nhà 10 gian cho đài tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội, và còn tham gia xây dựng và sửa chữa cho nhiều cơ quan khác do giặc Mỹ ném bom phá hoại, song song với phong trào tòng quân, ở hậu phương luôn nêu cao khẩu hiệu tất cả cho tuyền tuyến, "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Đảng bộ đã lãnh đạo toàn dân trong xã thực hiện đầy đủ thuế và nghĩa vụ lương thực, thực phẩm hàng năm đối với nhà nước từ 180 đến 215 tấn thóc và từ 25 đến 30 tấn thực phẩm. Hàng năm nhân dân trong xã luôn vượt chỉ tiêu trên giao, dù trong chiến tranh ác liệt, chính sách hậu phương quân đội luôn được Đảng bộ và nhân dân trong xã quan tâm có nhiều phong trào thiết thực chăm no các gia đình đối tượng, chính sách theo chế độ đãi ngộ của nhà nước thực hiện được chu đáo.
Sau ngày đất nước thống nhất cùng với nhân dân cả nước Đảng bộ và nhân dân Gia Lương tích cực khắc phục hậu quả sau chiến tranh xây dựng cuộc sống mới theo đường lối của Đảng, chính sách PL của nhà nước, đã kiên trì khắc phục mọi khó khăn vươn lên để giành được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện.
Kính thưa các đồng chí và nhân dân!
Gia Lương là một xã thuần nông, ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, xã có diện tích tự nhiên là 350,2 ha, dân số 6043 khẩu sinh sống trên địa bàn 05 thôn. Từ đầu năm 1947 chi bộ Đảng đầu tiên của xã có gần 20 đồng chí đảng viên đến nay toàn Đảng bộ có 333 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ, gồm 5 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ Công an xã và 01 chi bộ Dân quân cơ động xã. Trong đó chi bộ nông thôn có 260 đảng viên (Đồng Tâm: 30; Lũy Dương: 55; Thành Lập: 41; Cộng Hòa: 85; Xuân Trình: 49); Chi bộ trường học có 62 đảng viên (Mầm non: 25; Tiểu học: 22; THCS: 15); chi bộ Công an xã: 5 đảng viên; chi bộ Dân quân cơ động: 6 đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ xã có 11 đồng chí Đảng ủy viên, các ban chi ủy có 32 đồng chí.
Trong 03 năm: 2020, 2021, 2022, Đảng bộ 3 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2020, 2021, 2022 được Huyện ủy tặng Giấy khen. Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025 và đại hội của các đoàn thể chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp phụ nữ xã nhiệm kỳ 2021 – 2026, Đoàn thanh niên xã nhiệm kỳ: 2022 – 2027. Năm 2023, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội Hội Nông dân xã và công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đến tháng 6.2023, kinh tế xã nhà tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân hàng năm đạt 11,89%/năm (mục tiêu Đại hội 10,5%). Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp , thủy sản đạt 78 tỷ 131,89 triệu đồng (mục tiêu Đại hội là 77 tỷ 312,59 triệu đồng) vượt chỉ tiêu đại hội 1.06%. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ giàu và khá ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đến nay toàn xã còn 33 hộ nghèo chiếm 1,74% số hộ trên địa bàn toàn xã.
CN-TTCN-XDCB đạt 141 tỷ 151,85 triệu đồng (mục tiêu Đại hội là: 208 tỷ 314,48 triệu đồng); đạt 67,76% chỉ tiêu đại hội. Dịch vụ thương mại đạt 203 tỷ 875,26 triệu đồng (mục tiêu Đại hội 251 tỷ 265,92 triệu đồng); đạt 82,14% chỉ tiêu đại hội. Thu nhập bình quân đầu người/năm đến nay đạt 69,27 triệu đồng (mục tiêu Đại hội là 75 triệu đồng), đạt 92,36% so với chỉ tiêu đại hội.
Xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017, Gia Lương là xã thứ hai trong huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2020. Có được kết quả đó, là có sự đồng thuận, chung sức của toàn thể nhân dân trong xã. Với những truyền thống quý báu đó. Đảng bộ luôn phát huy dân chủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn dân chung sức, đồng lòng, nâng cao chất lượng xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm 2024.
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ, CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM TRONG THỜI GIAN QUA:
- Xây dựng nâng cấp tuyến đường từ đường 39H đến thôn Đồng Tâm, thôn Thành Lập, thôn Cộng Hòa với tổng đầu tư kinh phí là 11.946 triệu đồng.
- Xây dựng công trình mương cấp I từ cống Hai Cửa khu Đồng Vằn thôn Lũy Dương về cống Ao Rào thôn Xuân Trình dài 1000 m, tổng kinh phí đầu tư là: 6.396 triệu đồng.
- Công trình đường từ cống trường Tiểu học đến cống Hai Cửa khu Đồng Vằn thôn Lũy Dương dài 230 m, tổng kinh phí thi công là 11.946 triệu đồng triệu đồng.
- Công trình Nhà đa năng trường Tiểu học với tổng kinh phí thi công là 3.707 triệu đồng.
- Công trình nhà vệ sinh, lán xe, sân trường Tiểu học với tổng kinh phí thi công 3.720 triệu đồng.
- Công trình nhà ăn bán trú trường Tiểu học với tổng kinh phí là 2.969 triệu đồng.
- Nâng cấp khuôn viên công sở và xây dựng nhà một cửa với tổng kinh phí là 9.605 triệu đồng.
- Chỉ đạo thôn Cộng Hòa xây dựng hoàn thành đưa vào xử dụng Nhà văn hóa thôn và khu sân nhà văn hóa kinh trên 1 tỷ đồng.
- Chỉ đạo thôn Cộng Hòa và thôn Thành Lập; thôn Lũy Dương và thôn Xuân Trình xây dựng được 358 m đường liên thôn với tổng kinh phí 250 triệu đồng.
- Chỉ đạo các thôn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí mở rộng ngã ba, ngã tư, đường giao thông trong làng đến nay mở rộng được 13 điểm.
CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ:
1. Tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân duy trì phát triển kinh tế gia đình. Thu ngân sách Nhà nước vượt chỉ tiêu huyện giao từ 5% trở lên.
2. Hoàn thành công tác quy hoạch và sử dụng đúng quy hoạch, sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh quyết định cho đấu giá khu dân cư mới thôn Thành Lập - Đồng Tâm.
3. Duy trì danh hiệu làng văn hóa của 5 thôn, và phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 96 % số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
4. Giữ vững ANTT-TTATXH, không để xảy ra điểm nóng hoặc trọng án trên địa bàn, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân huyện giao.
5. Tăng từ 20% việc số hóa kết quả TTHC; Chỉ số cải cách hành chính đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ; sự hài lòng của tổ chức, người dân đạt trên 90%; thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn xã đạt 100%.
6. Phấn đấu 100% chi bộ đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ, trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; phấn đấu phát triển được từ 7-8 đảng viên mới trên năm.
7. Phấn đấu 100% các ngành, đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ 50% trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được các cấp khen thưởng.
8. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án của Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM CỦA ĐẢNG ỦY
TRONG THỜI GIAN TỚI:
I. LĨNH VỰC XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI XÃ
1. Công tác xây dựng Đảng
- Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị theo hướng đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền sát với từng loại đối tượng, có hiệu quả thiết thực.
- Tiếp tục triển khai thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả và trở thành nền nếp trong sinh hoạt Đảng, gắn với nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái trong cán bộ đảng viên.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo vệ chính trị nội bộ.
- Hằng năm, chủ động xây dựng và thực hiện tốt các chương trình kiểm tra, giám sát; tập trung kiểm tra, giám sát các vấn đề trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Điều lệ Đảng, thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
- Nâng cao nhận thức của cấp uỷ, đảng viên đối với công tác tuyên giáo, dân vận; xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc Quy chế số 03-QC/TU, ngày 18/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
2. Công tác xây dựng chính quyền
Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của UBND xã. Đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của bộ phận “Một cửa” tại xã, áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ công vụ. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê phán những trường hợp vi phạm.
3. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, rõ mô hình. Làm tốt công tác phát triển đoàn viên, hội viên mới.
- Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng MTTQ và các đoàn thể vững mạnh, quan tâm đến công tác phát triển gắn với nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên.
- Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Phát huy và thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
II. LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH XÃ
1. Lĩnh vực phát triển kinh tế
- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, ưu tiên mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VIETGAP. Tập trung nguồn lực đến năm 2025 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
- Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp chế biến gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết.
2 Lĩnh vực văn hóa, xã hội
- Tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, trọng tâm là chất lượng về đạo đức, văn hoá, sức khoẻ, giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước; thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, thường xuyên chăm lo về tinh thần, vật chất cho sự nghiệp giáo dục, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.... Thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân xã.
- Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện nếp sống văn minh xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa và các phong trào khác.
- Giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người có công và thân nhân người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện các chính sách hỗ trợ để giảm nghèo và chương trình giảm nghèo.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; khai thác và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
3. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất xã đến năm 2030; Tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả trong công tác xử lý đất dôi dư, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Tuyên truyền,vận động, hướng dẫn người sử dụng đất đăng ký đất đai, cấp GCN đối với các trường hợp đủ điều kiện nhằm nâng cao nhận thức trong việc sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.
4. Công tác quốc phòng, an ninh, tư pháp
- Chú trọng công tác huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân, và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
- Nắm chắc tình hình, tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm mới, an ninh mạng, tội phạm về môi trường, tín dụng đen; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ.
- Không để khiếu kiện đông người, vượt cấp; không để tạo thành điểm nóng, phức tạp trên địa bàn xã.
- Ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực điện tử để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử.
5. Công tác cải cách hành chính
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, tận tụy với công việc tạo niềm tin và sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, người lao động, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
- Thực hiện hiệu quả, đồng bộ 06 nội dung cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch”.
- Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Duy trì và phát huy thực hành dân chủ cơ sở; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải, Chi hội luật gia, Ban thanh tra nhân dân - giám sát đầu tư cộng đồng và các hoạt động giám sát của HĐND; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.
6. Thực hiện các Đề án, Chương trình, công trình trọng điểm
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Đề án, Chương trình được triển khai thực hiện trên địa bàn xã. Hoàn thành các công trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng ủy, Chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng các khu dân cư mới, mở rộng các ngã ba, ngã tư, đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã Gia Lương, Đảng bộ và nhân dân xã nhà một lần nữa khẳng định sẽ mãi mãi trung thành với lý tưởng và con đường XHCN mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy mọi nguồn lực bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, không ngừng chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tất cả vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!