THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Những điểm mới của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
24/02/2023 01:57:58

Trong cuộc sống hiện nay, bên cạnh những mảng sáng của hạnh phúc gia đình, thì đâu đó vẫn có những mảng tối xảy ra cần được nên án và giải quyết theo quy định pháp luật - đó là tình trạng bạo lực gia đình. Theo khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định: “ Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Thực tế, tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra và đang là hồi chuông báo động thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 sau một thời gian đưa vào áp dụng trên thực tế đã xuất hiện những hạn chế nhất định. Sự ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 là căn cứ pháp lý quan trọng, khắc phục được những hạn chế của Luật cũ.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 ra đời với nhiều điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất: Tiếp cận dựa trên quyền con người

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Như vậy, so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, quy định mới đã bổ sung các hành vi bạo lực gia đình sau:

- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

- Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

           - Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực.

- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình.

Ngoài ra, hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trước đây được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định chi tiết hơn như sau:

         Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.

Thứ 2: Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

         Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cụ thể, trong Luật có biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục.

Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng"; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Thứ tư: Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Cùng với đó, điểm mới của Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả.

Cụ thể, quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Thứ năm:Chế độ báo cáo Định kỳ 02 năm một lần báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

         Ngoài ra, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

Khắc phục những điểm còn hạn chế của luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, sự ra đời của Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, điều chỉnh tốt và hiệu quả hơn các quan hệ pháp luật mà luật hướng tới. Bên cạnh đó, cũng tạo sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi bạo lực ra khỏi cuộc sống, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-2022-119221202164628019.htm#:~:text=C%C3%B9ng%20v%E1%BB%9Bi%20%C4%91%C3%B3%2C%20%C4%91i%E1%BB%83m%20m%E1%BB%9Bi,ph%C3%B2ng%2C%20ch%E1%BB%91ng%20b%E1%BA%A1o%20l%E1%BB%B1c%20gia

Hình ảnh: Nguồn Internet

Ánh Tuyết 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ GIA LƯƠNG - HUYỆN GIA LỘC

Trưởng Ban Biên tập:  Ông Phạm Văn Tải - Phó chủ tịch UBND xã.

Địa chỉ: Thôn Xuân Trình - xã Gia Lương - huyện Gia Lộc - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 02203716380

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 1
Tất cả: 90,640